hien ke binh phuoc

Thời của nông nghiệp 4.0: Đổi chất, tăng lượng

Thứ ba - 17/08/2021 21:01 942 0
(Mic.gov.vn) - Trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 rất lớn, nhưng nông nghiệp Việt Nam vẫn đạt được những thành tựu đáng tự hào, xứng đáng là trụ đỡ của nền kinh tế bởi vừa bảo đảm an ninh lương thực, dinh dưỡng, vừa duy trì “đường găng” đưa Việt Nam đứng vào thứ 15 thế giới về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Tuy nhiên, hiện gần 40% lực lượng lao động làm trong lĩnh vực nông nghiệp, phần nhiều trong đó chưa được đào tạo và có đến 8,6 triệu hộ nông dân tham gia sản xuất, nhưng đa phần manh mún, nhỏ lẻ… Đây là tồn tại của nền nông nghiệp nước ta nhiều năm qua, do vậy, chuyển đổi công nghệ số vào nông nghiệp, nông thôn sẽ là giải pháp có thể khắc phục triệt để tồn tại này.

Nền tảng cho hệ sinh thái nông nghiệp số

Kế hoạch chuyển đổi số đã đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế số trong nông nghiệp, nhằm thúc đẩy doanh nghiệp, người dân tăng cường ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp. Điều này sẽ giúp quản lý, giám sát nguồn gốc, hình thành hệ sinh thái nông nghiệp số, nhằm khuyến khích các hộ, hợp tác xã tham gia vào ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

20210817 pg3
Dùng ứng dụng công nghệ để "đọc, hiểu" đất qua các thông số tại trang trại của gia đình qua hệ thống quản trị thông minh.

Hệ sinh thái nông nghiệp số là một không gian số phản ảnh đầy đủ các đối tượng và mối quan hệ của các đối tượng trong ngành nông nghiệp trên không gian số thông qua phép ánh xạ từ miền thực sang miền số; tận dụng sức mạnh số để giải quyết các vấn đề đang tồn tại và các dịch vụ nông nghiệp mới xanh và bền vững hơn.

Để phát huy vai trò dẫn dắt trong công cuộc chuyển đổi số, bên cạnh các hệ sinh thái Chính phủ số, y tế số, giáo dục số..., trong những năm qua VNPT đã và đang xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp số, với trọng tâm là các nền tảng số như nền tảng truyền dẫn 5G, nền tảng internet vạn vật (IoT), nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI), nền tảng chuỗi cung ứng...  

Trước hết phải nói đến việc tích hợp mạng 5G thử nghiệm thành công vào cấu trúc mạng hiện hữu, VNPT đã sẵn sàng về mặt kỹ thuật, công nghệ và cấu trúc mạng lưới cho việc triển khai mạng 5G thương mại. Bên cạnh việc nghiên cứu ứng dụng tốc độ vượt trội của 5G trong các lĩnh vực giải trí, sản xuất kinh doanh, giao thông vận tải, y tế, giáo dục... thì các chuyên gia công nghệ cũng đánh giá khả năng khai thác 5G để phục vụ nhu cầu internet của các hộ gia đình thay thế hệ thống cáp quang. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong việc xây dựng hạ tầng công nghệ-từng bước đưa internet đến vùng sâu vùng xa, khu vực khó khăn, góp phần tạo dựng nền tảng để thực hiện chuyển đổi số đến thôn, xóm, làng bản ở các vùng miền; nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nơi mà các thiết bị IoT được sử dụng rất nhiều trong việc hỗ trợ sản xuất cũng như giám sát, bảo đảm điều kiện tốt nhất cho cây, con phát triển.

Tiếp đến IoT Platform-đây là nền tảng IoT Cloud toàn diện cho phép kết nối và quản lý tập trung các thiết bị IoT và hỗ trợ các nhà cung cấp dịch vụ phát triển ứng dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau như y tế, giao thông, nông nghiệp, giáo dục, điện lực… Nền tảng IoT Platform đã đạt chứng chỉ oneM2M-chứng chỉ toàn cầu dành cho chuẩn hóa phát triển về IoT/M2M. Có thể nói, VNPT là đơn vị đầu tiên và duy nhất của Việt Nam cho tới thời điểm này có nền tảng IoT nhận được chứng chỉ này, sánh ngang với nhiều hãng lớn trong làng công nghệ trên thế giới.

Hiện nay ở Việt Nam, VNPT đang là đơn vị đi đầu đang nghiên cứu, thử nghiệm ứng dụng AI trong việc tiết kiệm chi phí, phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ trong sản xuất nông nghiệp. Với nền tảng AI này sẽ cho phép phân tích phát hiện vùng bất thường của cây lúa thông qua hình ảnh chụp cánh đồng từ trên không, từ đó xác định được vùng thiếu phân bón, hoặc khu vực bị cỏ dại, sâu bệnh, từ đó khuyến nghị lượng phân bón, lược thuốc trừ cỏ, trừ sâu đúng, đủ với khu vực.

Với các nền tảng số, trong đó nền tảng quản lý chuỗi cung ứng nông sản (vFarm) cho phép số hóa quy trình nuôi, trồng nông sản một cách mềm dẻo, linh hoạt, phù hợp với hầu hết các loại nông sản ở Việt Nam. Cùng với quy trình đã được số hóa, việc tạo ra nhật ký điện tử nông sản hết sức dễ dàng, dữ liệu nhật ký điện tử có thể được thêm bằng tay từ thiết bị smartphone của người nông dân, hoặc tự động từ các thiết bị IoT triển khai trên đồng ruộng... Từ đó có thể tạo được cơ sở dữ liệu nông sản đúng, đủ, kịp thời phục vụ truy xuất nguồn gốc cũng như quản lý, theo dõi, tối ưu quá trình sản xuất nông sản. 

Tuy vậy, nông nghiệp số là lĩnh vực rộng lớn và còn những “chông gai” ở phía trước, nhưng với phương châm đồng hành cùng Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp, nhất là chung tay với bà con nông dân, VNPT quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, để mang tới những những sản phẩm, dịch vụ, nền tảng số phù hợp nhất cho Việt Nam vì một nền nông nghiệp xanh, bền vững và phát triển.

Nông trại IoT

Chỉ cần điện thoại thông minh, người nông dân ở Ninh Bình có thể giám sát việc trồng rau, củ quả theo mô hình công nghệ cao, dù ở bất cứ đâu, 24/24 giờ. Ứng dụng “công nghệ kép”- internet vạn vật (IoT) và nano silic vào quy trình canh tác đã tạo nên sức lan tỏa cho những trang trại 4.0. 

20210817 pg4
Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đang là một xu hướng tất yếu mà nhiều trang trại, hộ nông dân chọn làm hướng đi cho mình.

Từng thua lỗ nặng khi mới đầu tư xây dựng nông trại trồng rau, nhưng chị Lê Thị Dung ở xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) quyết không bỏ cuộc. Chị “tầm sư học đạo”, tìm các mô hình, trang trại công nghệ cao trong nước để học hỏi cách làm, rồi lướt web nghiên cứu... Năm 2000, khi nhận thấy ở trong xã có nhiều hộ nông dân không có nhu cầu sản xuất nông nghiệp, chị nảy ra ý định “động trời”, vay tiền gom, mua ruộng đất để làm trang trại công nghệ cao với quy mô lớn. Từ một nông dân thuần túy, chị đứng ra mở Công ty CP Đầu tư công nghệ Xanh chuyên sản xuất cung ứng rau, củ, quả sạch theo quy trình khép kín.

Cùng với thực tế và kinh nghiệm “đọc, hiểu đất” của mình, chị Dung đã quyết tâm chọn hướng đi riêng đó là ứng dụng công nghệ IoT và đưa phân bón nano silic vào sản xuất-tức là đưa công nghệ tác động trực tiếp với đất, lá, thân của cây trồng. 

Nhờ ứng dụng công nghệ IoT và đưa phân bón nano silic vào sản xuất, quá trình sản xuất đã giảm cả về lượng phân, nước tưới và sức lao động... nhưng lại cho sản phẩm chất lượng tốt. “Dữ liệu do các cảm biến toàn bộ khu vườn sẽ được thu thập, đưa về bộ xử lý tập trung để phân tích và đưa ra các lệnh điều khiển tại chỗ mà không cần chờ hệ thống máy chủ. Nhờ đó, giảm đáng kể thời gian trễ khi điều khiển các hệ thống tưới, điều hòa không khí, đóng-mở...”, chị Dung tâm đắc.

Điểm thú vị, cơ chế này cho phép hệ thống vẫn hoạt động bình thường ngay cả khi không có kết nối internet đến hệ thống máy chủ. Nhờ đó người nông dân vận có thể thao tác ngay tại các tủ điều khiển cũng như ngồi trên ô-tô sử dụng điện thoại di động để kiểm tra, giám sát mọi hoạt động sản xuất và đưa ra các quyết định cần thiết mọi lúc, mọi nơi. Tất cả các quy trình từ làm phân, tưới nước tới chăm sóc “sức khỏe”, phát triển cây đều có máy tính ghi lại và thực hiện quản lý, vận hành trên smartphone. 

Theo chị Dung chia sẻ, trước đây phải thuê tới 40 người làm, nhưng giờ chỉ cần 10 người đã có thể điều hành và làm được mọi việc từ xa, điều khiển toàn bộ nông trại. Công việc thu hoạch nông sản sau khi áp dụng hệ thống “công nghệ kép” cũng đạt hiệu quả bất ngờ khi năng suất tăng từ 130% trở lên và chất lượng sản phẩm sạch, an toàn vì không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo quản.

Hiện nông trại rau, củ quả của Công ty CP Đầu tư công nghệ Xanh được duy trì sản xuất ổn định trên diện tích hơn 10 ha, với mô hình canh tác trong nhà lưới và cho sản lượng hàng trăm tấn/năm. Tính riêng năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng dịch Covid-19, nhưng công ty vẫn đạt doanh thu bình quân khoảng gần 20 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 100 lao động địa phương, với mức lương khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Từ những thành công vượt trội của mô hình nông trại ứng dụng “công nghệ kép” của chị Dung, nhiều hộ nông dân trên địa bàn đã tìm đến học tập, và nhận rộng. Theo Bí thư Đảng ủy xã Khánh Cư Nguyễn Văn Nghị, ứng dụng công nghệ cao vào canh tác vừa giúp người nông dân “sạch sẽ về chân tay, giảm đổ mồ hôi trên đồng ruộng”, vừa tăng thu nhập... Nhờ đó, phong trào làm giàu với phương châm “hộ giúp hộ, dân giúp dân” từng bước được nhân rộng, đúng như tinh thần Nghị quyết của địa phương đề ra.  

theo nhandan.vn

 

Nguồn tin: www.mic.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây