Tại buổi Tọa đàm, ông Đỗ Lập Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm công nghệ phòng, chống Covid-19 quốc gia (Trung tâm Công nghệ) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 quốc gia về việc xây dựng một ứng dụng thống nhất phòng, chống dịch, Bộ TT&TT đã chỉ đạo Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 khẩn trương phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an, các doanh nghiệp công nghệ và những đơn vị liên quan xây dựng ứng dụng PC-Covid.
Ứng dụng gồm có 9 tính năng chính: Thẻ Covid-19; Khai báo y tế; Khai báo di chuyển nội địa; Thông tin tiêm vaccine, xét nghiệm; Cấp, quản lý mã QR cá nhân và địa điểm; Quét mã QR; Truy vết tiếp xúc gần, Bản đồ nguy cơ, và Phản ánh. Ứng dụng hiện đã có mặt trên hai chợ ứng dụng Apple Store và Google Store để người sử dụng tải về.
Đối với những người đã tải các ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 được khuyến cáo bởi Bộ TT&TT, Bộ Y tế như Bluezone, NCOVI, VHD khi cập nhật lên phiên bản mới nhất sẽ tự động chuyển về app thống nhất là PC-Covid. Dữ liệu từ các ứng dụng cũ sẽ hiển thị trên PC-Covid, không đòi hỏi người dùng khai báo lại từ đầu.
Đại diện Trung tâm Công nghệ khẳng định, “PC-Covid đã được kết nối, liên thông với 4 cơ sở dữ liệu quan trọng gồm: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (do Bộ Công an quản lý); Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm (do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý); Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêm chủng, phòng ngừa Covid-19 (do Bộ Y tế quản lý) và cơ sở dữ liệu về xét nghiệm Covid-19.
Theo ông Đỗ Lập Hiển, ứng dụng PC-Covid chỉ là điểm hội tụ của các nền tảng, là phần nổi dành cho người sử dụng. Phần chìm, phần quan trọng nhất chính là hệ sinh thái với 7 nền tảng phục vụ phòng chống dịch Covid-19, khép kín quá trình phục vụ, chăm sóc y tế người mắc Covid. Cụ thể đó là: Nền tảng khai báo y tế, Nền tảng xử lý phản ánh, Nền tảng quản lý ra vào bằng mã QR, Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm trực tuyến, Nền tảng hỗ trợ truy vết, Nền tảng quản lý cách ly và Nền tảng quản lý tiêm chủng.
Muốn triển khai nền tảng, ứng dụng thành công, công nghệ chỉ chiếm 20%, 80% thuộc về mô hình triển khai, việc cung cấp dữ liệu của người dùng
Trả lời câu hỏi của các phóng viên báo chí về việc nhiều người dùng không đồng bộ được dữ liệu hoặc không hiện lên xác nhận đã tiêm hai mũi vaccine covid-19 trong ngày 30/9/2021, ngày đầu tiên ứng dụng PC-Covid xuất hiện trên hai kho ứng dụng của Apple và Google, ông Đỗ Lập Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm công nghệ phòng, chống Covid-19 quốc gia cho biết, ứng dụng PC-Covid được xây dựng rất gấp để phục vụ công tác chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. PC-Covid được xây dựng dựa trên sự nâng cấp, tổng hợp 3 ứng dụng hiện có của hai Bộ TT&TT và Bộ Y tế. Việc hợp nhất phần mềm đòi hỏi sự chuyển đổi dữ liệu một tệp người dùng lớn, chỉ riêng ứng dụng Bluezone hiện đã có 45 triệu lượt tải về và có khoảng 23 triệu lượt người sử dụng active. Đồng thời, trên hệ thống còn lưu trữ số liệu tiêm chủng của 40 triệu lượt tiêm vaccine trong chiến dịch tiêm chủng rất lớn thời gian qua tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, trong đó có hai thành phố lớn nhất là TPHCM và Hà Nội.
Trong chiến dịch xét nghiệm và tiêm chủng lớn và triển khai rất nhanh trong thời gian ngắn,“nhiều địa phương đã không thể nhập dữ liệu tiêm chủng theo thời gian thực lên nền tảng tiêm chủng, nhiều cơ sở tiêm chủng hiện đang vẫn tiếp tục nhập dữ liệu đuổi lên nền tảng. Thậm chí một số cơ sở tiêm chủng vẫn nhập dữ liệu trên file Excel hoặc dùng bản giấy nên đội ngũ công nghệ vẫn đang tiếp tục nhập dữ liệu tiêm chủng theo hình thức thủ công vào hệ thống phần mềm. Trong quá trình nhập dữ liệu bằng tay, theo hình thức thủ công sẽ không thể tránh khỏi sai sót. Đó là lý do vì sao nhiều người đã tiêm vắc xin nhưng vẫn chưa có dữ liệu tiêm chủng hoặc tiêm 2 mũi nhưng hiển thị 1 mũi trên app PC-Covid”.
Sử dụng công nghệ trong phòng chống covid chỉ có thể thành công khi nền tảng công nghệ được 100% cơ sở tiêm chủng, cơ sở xét nghiệm sử dụng để nhập dữ liệu theo thời gian thực và thông tin được nhập một cách chính xác. Do đó, “trong hoạt động ứng dụng công nghệ phòng chống dịch, công nghệ chỉ chiếm 20%, 80% thành bại là do mô hình triển khai, trong đó phần dữ liệu đóng vai trò vô cùng quan trọng. Dữ liệu không tự nhiên được sinh ra, dữ liệu là do người dùng cung cấp, do các cơ sở tiêm chủng, xét nghiệm trên tất cả các tỉnh thành nhập vào hệ thống”, đại diện Trung tâm Công nghệ khẳng định.
Cũng liên quan đến vấn đề cung cấp dữ liệu của người dùng, đại diện Cục Viễn thông chia sẻ, tại các điểm tiêm chủng, có tình trạng nhiều người cung cấp ngày tháng năm sinh, số điện thoại, số thẻ căn cước công dân không chính xác, hoặc một người khai hộ thông tin cho nhiều người. Đây là một trong những lý do tại sao một số người đã tiêm hai mũi vaccine nhưng hệ thống chỉ ghi nhận một mũi vaccine vì chỉ cần sai một số liệu về thông tin cá nhân thì hệ thống sẽ nhận diện thành hai người khác nhau. Và điều này cũng một lần nữa khẳng định “Dữ liệu có vai trò rất quan trọng quyết định sự thành bại của một ứng dụng, một phần mềm công nghệ”.
Sẽ khẩn trương triển khai Nền tảng phản ánh để tiếp nhận mọi ý kiến của người dân, hoàn thiện ứng dụng PC-Covid
Tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhận định, các lực lượng công nghệ hiện đang khẩn trương hoàn thiện ứng dụng PC-Covid và mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp thông qua Nền tảng phản ánh để ứng dụng ngày càng hoàn thiện và phục vụ người dùng tốt hơn. Thứ trưởng cam kết ngay trong đầu tuần sau Nền tảng phản ánh sẽ ra mắt để tiếp nhận mọi ý kiến đóng góp của người dân.
Thứ trưởng cũng cho biết, Bộ TT&TT sẽ nhanh chóng ban hành các văn bản cụ thể hướng dẫn các địa phương triển khai PC-Covid. Đồng thời, sẽ thành lập 63 đoàn công tác tại 63 tỉnh, thành với đại diện của Sở TT&TT và doanh nghiệp công nghệ nhằm hỗ trợ các địa phương triển khai ứng dụng PC-Covid. Cũng ngay trong tuần tới, Bộ sẽ tổ chức tập huấn về PC-Covid theo hình thức trực tuyến đến 63 tỉnh, thành trên cả nước, Thứ trưởng cho biết thêm.
Ứng dụng PC-Covid Ứng dụng gồm có 9 tính năng chính: Thẻ Covid-19; Khai báo y tế; Khai báo di chuyển nội địa; Thông tin tiêm vaccine, xét nghiệm; Cấp, quản lý mã QR cá nhân và địa điểm; Quét mã QR; Truy vết tiếp xúc gần, Bản đồ nguy cơ, và Phản ánh. Ứng dụng hiện đã có mặt trên hai chợ ứng dụng Apple Store và Google Store để người sử dụng tải về. Đối với những người đã tải các ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 được khuyến cáo bởi Bộ TT&TT, Bộ Y tế như Bluezone, NCOVI, VHD khi cập nhật lên phiên bản mới nhất sẽ tự động chuyển về app thống nhất là PC-Covid. Dữ liệu từ các ứng dụng cũ sẽ hiển thị trên PC-Covid, không đòi hỏi người dùng khai báo lại từ đầu. Thẻ Covid-19 là một trong những tính năng quan trọng trên PC-Covid. PC-Covid đưa ra hiển thị 3 loại thẻ “xanh - vàng - đỏ” tương ứng với quy trình về thông tin dữ liệu dịch tễ do Bộ Y tế cung cấp. Mã QR được sinh ra trên PC-Covid cũng là mã QR cá nhân duy nhất của người dân, chứa các thông tin liên quan đến phòng chống dịch. |
Giang Phạm, Ảnh: Đức Huy
Nguồn tin: www.mic.gov.vn