Trung tâm đặt tại trụ sở Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT, Tòa nhà VNTA, 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Trung tâm là một cơ cấu làm việc mang tính linh hoạt, không phải một tổ chức hành chính, không phát sinh thêm tổ chức, biên chế.
Quyết định nêu rõ Trung tâm có các nhiệm vụ cụ thể như sau:
- Đầu mối điều phối, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hỗ trợ, hợp tác liên quan đến kỹ thuật, công nghệ để hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19
- Thiết kế, tổ chức xây dựng, quản lý, vận hành, giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các nền tảng, hệ thống công nghệ phòng, chống dịch Covid-19.
- Quản lý thống nhất, kết nối tập trung và phân phối dữ liệu khai báo y tế điện tử, dữ liệu khai báo di chuyển nội địa, dữ liệu phản ánh của người dân, dữ liệu điểm kiểm dịch và dữ liệu kiểm soát ra vào các điểm kiểm dịch giữa các hệ thống công nghệ phòng, chống dịch Covid-19.
- Phát triển hoặc nhận chuyển giao các giải pháp công nghệ mới trong phòng, chống dịch Covid-19.
- Phục vụ các yêu cầu sử dụng công nghệ để hỗ trợ nghiệp vụ y tế của Bộ Y tế.
- Hỗ trợ các yêu cầu về kỹ thuật, hướng dẫn tổ chức triển khai các biện pháp công nghệ cho các Bộ ngành, địa phương trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
- Đôn đốc việc triển khai, ứng dụng các hệ thống, nền tảng công nghệ phòng chống dịch Covid-19.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Bộ trưởng Bộ TT&TT.
Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày ký.
Các thành viên nòng cốt của Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia: Lãnh đạo Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT - Giám đốc - phụ trách điều hành chung. Lãnh đạo Cục CNTT, Bộ Y tế - Phó Giám đốc Trung tâm - phụ trách kết nối giữa các bên liên quan về công nghệ và y tế. Căn cứ thực tiễn chống dịch, Phó Giám đốc Trung tâm đề xuất các vấn đề, yêu cầu cụ thể (đầu bài) cần có công cụ CNTT hỗ trợ để Bộ TT&TT chỉ đạo việc tổ chức xây dựng giải pháp CNTT, phần mềm đáp ứng yêu cầu đề ra. Đại diện Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng tại Việt Nam – Thành viên – phụ trách công tác cố vấn về mặt nghiệp vụ, yêu cầu cụ thể (đầu bài) cần có công cụ CNTT hỗ trợ để Bộ TT&TT chỉ đạo tổ chức xây dựng giải pháp CNTT, phần mềm đáp ứng yêu cầu đề ra. Đại diện Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, Bộ TT&TT – Thành viên – phụ trách chính sách an toàn, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đại diện Cục Viễn thông – Thành viên – phụ trách điều phối hoạt động của các doanh nghiệp viễn thông Mời ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn BKAV – Thành viên – phụ trách thiết kế tổng thể các nền tảng, cơ sở dữ liệu dùng chung, đảm nhiệm vai trò kiến trúc sư trưởng, trực tiếp chỉ đạo phát triển ứng dụng truy vết tiếp xúc gần và các nền tảng, hệ thống khác theo phân công. Mời ông Ngô Vĩnh Quý, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội – Thành viên – phụ trách thiết kế và triển khai cơ sở hạ tầng, trực tiếp chỉ đạo phát triển ứng dụng khai báo y tế, giám sát cách ly, giám sát y tế và các nền tảng, hệ thống khác theo phân công. Đại diện Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT – Thành viên – phụ trách thực thi, giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Đại diện Lãnh đạo Trung tâm Chính phủ điện tử, Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT – Thành viên thường trực. Trung tâm còn có bộ phận giúp việc, bộ phận chuyên môn kỹ thuật là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Cục Tin học hóa, Cục Viễn thông, Cục An toàn thông tin và các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Tùy theo yêu cầu công việc, Cục trưởng Cục Tin học hóa trình Lãnh đạo Bộ TT&TT bổ sung thành viên nòng cốt của Trung tâm. |
PV
Nguồn tin: www.mic.gov.vn