Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 64 điểm cầu, có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Sở TT&TT trên toàn quốc.
Khẩn trương triển khai văn bản 1145, xây dựng kế hoạch triển khai theo từng tháng
Tại phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng chỉ đạo các Sở TT&TT khẩn trương tham mưu cho lãnh đạo tỉnh, thành phố triển khai ngay các nội dung tại văn bản 1145 ngày 19/4/2021 của Bộ TT&TT hướng dẫn, đôn đốc các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai và hoàn thành chỉ tiêu cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức 4 trong năm 2021. Cụ thể, để hoàn thành chỉ tiêu 100% DVC trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021, các Sở TT&TT cần xây dựng kế hoạch triển khai theo từng tháng; Nghiên cứu, vận dụng kinh nghiệm triển khai của một số tỉnh đã thực hiện thành công. Đặc biệt, cần phối hợp chặt chẽ với Cục Tin học hóa – Bộ TT&TT trong quá trình triển khai.
Năm bài học kinh nghiệm
Theo Cục Tin học hóa, các tỉnh Tây Ninh, Nam Định, Đà Nẵng là một trong những tỉnh có tỉ lệ DVC trực tuyến mức độ 4 cao: Tây Ninh (96,86% với 1.818 DVC mức 4); Nam Định (79,61% với 1.382 DVC mức 4), Đà Nẵng (68,12% với 1.237 DVC mức 4).
Đại diện 63 Sở TT&TT tham dự Hội nghị trực tuyến
Kinh nghiệm triển khai thành công DVC trực tuyến mức độ 4 của một số tỉnh thành cho thấy, yếu tố quan trọng số một là sự quyết tâm của lãnh đạo các cấp. Sự quyết tâm của người đứng đầu là động lực thúc đẩy bộ máy bên dưới thực hiện các nhiệm vụ đã được đề ra. Yếu tố thứ hai liên quan đến công nghệ, đó là sự sẵn sàng của các nền tảng như: Cổng DVC, Hệ thống một cửa điện tử, LGSP…. Tiếp theo là sự chuẩn hóa của các thủ tục hành chính; sự phối hợp của Tỉnh - Bộ - Doanh nghiệp. Bài học cuối cùng nhưng cũng rất quan trọng: Sau triển khai cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4, cần triển khai mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp về lợi ích của việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Tại phiên họp, đại diện Sở TT&TT Quảng Ninh cũng chia sẻ kinh nghiệm triển khai DVC trực tuyến của tỉnh mình. Cụ thể, trong tổng số 1865 thủ tục hành chính, tỉnh đã cung cấp 1.678 DVC trực tuyến mức độ 3 và 4, 643 DVC mức độ 4. Số lượng hồ sơ trực tuyến phát sinh tăng từ mức 2% (năm 2017) lên mức 42% (tính đến tháng 4/2021). Dự kiến đến tháng 6/2021, tỉ lệ DVC trực tuyến của tỉnh Quảng Ninh sẽ đạt 77,6%.
Sở TT&TT Quảng Ninh mong muốn Bộ TT&TT hỗ trợ tạo điều kiện tích hợp DVC trực tuyến của tỉnh vào Cổng DVC quốc gia. Số lượng DVC của tỉnh đã đạt đủ điều kiện tích hợp là 1.600 nhưng mới chỉ có 500 DVC được tích hợp vào Cổng DVC quốc gia, đại diện lãnh đạo Sở Quảng Ninh kiến nghị.
Khuyến nghị các Giải pháp kỹ thuật đẩy mạnh cung cấp Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 - Triển khai Cổng dịch vụ công và hệ thống Một cửa điện tử trên cùng một nền tảng đáp ứng các yêu cầu và quy định hiện hành (Thông tư 18/2019/TT-BTTTT và Thông tư 22/2019/TT-BTTTT) - Triển khai theo mô hình cung cấp dịch vụ phần mềm trên nền tảng điện toán đám mây SaaS (Software-as-a-Service) đáp ứng các yêu cầu và quy định hiện hành. - Kết nối Cổng DVC và HTTT một cửa điện tử cấp tỉnh với Hệ thống thu thập, đánh giá việc sử dụng thông tin và DVC trực tuyến (Hệ thống EMC) do Bộ TT&TT xây dựng để theo dõi thực tế triển khai cung cấp DVC trực tuyến của các địa phương. - Kết nối LGSP của tỉnh với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia do Bộ TT&TT quản lý của để khai thác các CSDLQG, HTTT có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương nhằm tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, bảo đảm việc thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp. |
Giang Phạm
Nguồn tin: www.mic.gov.vn