Tăng mạnh số đội thi của các nước khác trong ASEAN
Vòng khởi động của cuộc thi kỹ năng an toàn thông tin (ATTT) dành cho sinh viên các nước trong khu vực ASEAN – “Sinh viên với ATTT 2021” vừa chính thức khép lại.
Tham gia vòng thi đầu tiên diễn ra trực tuyến này, 156 đội thi đến từ 48 trường thuộc 8 nước gồm Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Singapore, Thái Lan, Brunei và Việt Nam đã thử sức “Vượt qua thử thách theo chủ đề” (CTF – Jeopardy).
Trong đó, Việt Nam có 128 đội đến từ 30 trường đại học, cao đẳng và Học viện trên cả nước. Bảy nước ASEAN khác có 28 đội tuyển sinh viên của 18 trường góp mặt tại vòng thi khởi động.
Năm 2021 khá đặc biệt. Do ảnh hưởng dịch bệnh nên cuộc thi được tổ chức online hoàn toàn. Tuy nhiên, cũng nhờ tổ chức online, cuộc thi đã thu hút được số đội đăng ký tham gia đông đảo, nhất là của các đội đến từ các nước ASEAN khác.Trong phát biểu khai mạc vòng thi, ông Khổng Huy Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), Phó Trưởng Ban tổ chức cuộc thi “Sinh viên với ATTT 2021” cho biết, năm nay đã là năm thứ 14 cuộc thi được tổ chức. Đây là một trong những cuộc thi lâu đời nhất dành cho sinh viên trong lĩnh vực ATTT ở Việt Nam và khu vực ASEAN.
“Lần đầu tiên, có tới gần 30 đội sinh viên của 18 trường đại học thuộc 7 nước trong khu vực tham dự ngay từ vòng khởi động. Hầu hết các trường tốt trong khu vực đều đã có sinh viên góp mặt tại cuộc thi năm nay. Đây là một trong những yếu tố giúp nâng cao chất lượng của cuộc thi”, ông Khổng Huy Hùng chia sẻ.
Trong thời gian 4 giờ liên tục của vòng khởi động diễn ra ngày 9/10, các đội thi đã cùng nhau vượt qua những thử thách như: Web application - Khai thác các lỗ hổng ứng dụng web; Reverse engineering - Dịch ngược mã nguồn phần mềm, unpack các packer bảo vệ mã nguồn; Pwnable - Tìm lỗi, khai thác các lỗ hổng trong các ứng dụng server, phần mềm, hoặc đoạn mã; Network/Forensic - Điều tra, phân tích các dấu vết số; Crypto/ACM - Giải mã string, giải thuật, phân tích thuật toán, lập trình thuật toán…
120 đội thi giành được điểm số ở vòng thi khởi động
Kết thúc vòng khởi động, thống kê cho thấy, trong tổng số 156 đội tuyển sinh viên tham gia, có 120 đội giành được điểm số, 47 đội đạt từ 500 điểm trở lên và số đội có tổng điểm số từ 1.000 điểm trở lên là 27 đội. Trong 120 đội thi ghi được điểm số tại vòng thi này, có 34 đội thuộc các trường khu vực phía Bắc, 62 đội của các trường khu vực phía Nam và 24 đội tuyển sinh viên thuộc các trường của 7 nước ASEAN khác.
Năm vị trí dẫn đầu vòng thi lần lượt thuộc về các đội: Blackpinker (Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia TP.HCM); BkSec.Oggy (Đại học Bách khoa Hà Nội); UIT.Underrrated (Đại học CNTT – Đại học Quốc gia TP.HCM); Madagascar (Đại học Bách khoa Hà Nội); và UIT.Overkilled (Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia TP.HCM).Toàn bộ 11 vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng các đội thi đều là các đội sinh viên đến từ các trường đại học, Học viện lớn tại Việt Nam như: Các trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học CNTT, Đại học Bách khoa cùng thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM; Đại học Bách khoa Hà Nội; Đại học Duy Tân; Học viện Kỹ thuật Mật mã; Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Đây cũng là những đội đã giải được cả 10 bài thi và đạt tổng số điểm 1.400.
Đối với các đội thi đến từ các trường đại học của 7 nước ASEAN khác gồm Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Singapore, Thái Lan, Brunei và Việt Nam, trong 28 đội dự thi, có 24 đội dành được điểm số. Dẫn đầu là Team L3V3L1NG của Đại học Quốc gia Lào, giải được 4/10 bài thi, đạt 500 điểm; cùng xếp thứ hai là 3 đội thi của Malaysia và Thái Lan cùng giải được 3/10 bài thi, đạt 400 điểm, đó là: Đội CyberX của Đại học Công nghệ Malaysia, đội RedCheep đến từ Đại học Công nghệ Thonburi King Mongkut (Thái Lan), IDK IDK IDK của Đại học Kasetsart (Thái Lan).
Dẫu rằng các đội tuyển sinh viên Việt Nam đạt được kết quả tốt ở vòng thi khởi động, song từ thành tích này chưa thể nhận định rằng trình độ, năng lực của sinh viên ATTT Việt Nam cao hơn so với sinh viên các nước khác trong khu vực. Bởi lẽ, đây mới chỉ là vòng thi nhằm tạo điều kiện cho các thí sinh, nhất là thí sinh các nước khác trong khu vực ASEAN làm quen với cách thức tổ chức, thể lệ và dạng đề thi.
Theo kế hoạch, 2 vòng thi tiếp theo của cuộc thi, gồm vòng sơ khảo và chung khảo sẽ lần lượt được tổ chức vào các ngày 16/10 và 13/10. Kết quả vòng khởi động có thể được các trường lấy làm căn cứ để chọn đội tuyển đại diện trường tham gia vòng thi sơ khảo.
Ở vòng sơ khảo vào ngày 16/10, các đội sẽ tiếp tục thi online theo hình thức “Vượt qua Thử thách theo chủ đề” (Jeopardy), với thời gian gấp đôi vòng khởi động. Các đội đạt thành tích tốt ở vòng thi này sẽ giành quyền dự thi Chung khảo.
Trong năm thứ 3 mở rộng tới các nước ASEAN khác, cuộc thi “Sinh viên với ATTT ASEAN 2021” tiếp tục do VNISA chủ trì, phối hợp với Cục CNTT, Bộ GD&ĐT và Cục ATTT của Bộ TT&TT tổ chức, dưới sự bảo trợ của 2 Bộ TT&TT và GD&ĐT. Năm 2021, cuộc thi tiếp tục được Viettel tài trợ chính, NetNam tài trợ hạ tầng mạng và nền tảng hội nghị truyền hình. Cuộc thi năm nay có thêm sự ủng hộ của tập đoàn chuyên đào tạo và cấp chứng chỉ cho chuyên gia ATTT EC-Council, thông qua việc trao tặng voucher tham gia các kỳ thi, khóa học về ATTT chất lượng cao cho các đội tuyển sinh viên đoạt giải cao. |
Theo https://ictnews.vietnamnet.vn/
Nguồn tin: www.mic.gov.vn