hien ke binh phuoc

Tạo lập niềm tin số thúc đẩy chính phủ số, kinh tế số, xã hội số

Thứ năm - 09/09/2021 20:32 640 0
(Mic.gov.vn) - “Nhiệm vụ quan trọng nhất đối với những người làm an toàn, an ninh mạng trong giai đoạn này là củng cố, tạo lập niềm tin số cho xã hội khi tham gia vào các hoạt động trên không gian mạng, thúc đẩy chính phủ số, kinh tế số, xã hội số phát triển”, Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng từ điểm cầu TPHCM tại Tọa đàm cấp cao lãnh đạo CNTT và ATTT tổ chức sáng ngày 9/9/2021.

Sáng ngày 9/9/2021, đã diễn ra Tọa đàm cấp cao lãnh đạo CNTT và ATTT  với chủ đề “Nâng cao năng lực ứng phó thách thức an toàn, an ninh mạng trong tình hình mới”. Tọa đàm do Trung tâm Giám sát Không gian mạng Việt Nam (thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT), Công ty An ninh mạng Viettel và IEC tổ chức. Tham dự có ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ TT&TT, đại diện Cục An toàn thông tin Bộ TT&TT, Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính), Cục CNTT và Thống kê Hải quan, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, Trung tâm CNTT Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, cùng đại diện từ các đơn vị chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng, viễn thông, dầu khí, năng lượng, vận tải, logistic, CNTT. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

20210909 pg1 kttw 1
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc Tọa đàm

Lĩnh vực An toàn an ninh mạng đã có những phát triển quan trọng 

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho biết, Bộ Chính trị đã xác định “bảo đảm an toàn an ninh mạng là một trong những ưu tiên trong các chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Việt Nam”. Điều đó được thể hiện trong Nghị quyết 30 ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về chiến lược an ninh mạng quốc gia và Nghị quyết số 52 ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ông Nguyễn Đức Hiển đánh giá cao vai trò của Bộ TT&TT, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực ATTT đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan như: Bộ Tư lệnh 86, Ban Cơ yếu Chính phủ triển khai các kế hoạch hành động rất tích cực trong lĩnh vực bảo đảm an toàn an ninh mạng. Chỉ số an toàn an ninh mạng toàn cầu của chúng ta đã  vươn lên vị trí số 25 trong bảng xếp hạng toàn cầu so với vị trí của năm trước là 52. Đây là minh chứng quan trọng cho thấy an toàn an ninh mạng của Việt Nam đã có những bước phát triển lớn cũng như các chính sách hiệu quả trong lĩnh vực này của các cơ quan liên quan, đặc biệt là Bộ TT&TT. 

Ông Nguyễn Đức Hiển cho biết thêm, Bạn Kinh tế Trung ương hiện được giao xây dựng Báo cáo đánh giá hai năm triển khai Nghị quyết 52, trong đó lĩnh vực bảo đảm an toàn an ninh mạng là một trong những nội dung trọng tâm. Qua tọa đàm hôm nay, chúng tôi muốn lắng nghe ý kiến đóng góp của Bộ TT&TT, các doanh nghiệp, các chuyên gia về các chính sách cũng như quá trình triển khai các chủ trương, chính sách liên quan đến bảo đảm an toàn an ninh mạng sao cho các chính sách này đạt hiệu quả tốt nhất. Đồng thời đây cũng là bước chuẩn bị xây dựng Đề án trình Ban Chấp hành Trung ương về chủ trương chính sách công nghiệp hóa hiện đại hóa đến năm 2030 -2045. 

20210909 pg1 tt
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng phát biểu chào mừng tại Tọa đàm

An toàn, an ninh mạng góp phần bảo vệ sự thịnh vượng của quốc gia trên không gian mạng

Phát biểu chào mừng tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhận định, chúng ta đang sống trong giai đoạn hết sức đặc biệt, Covid-19 là một sự cố không mong muốn và ảnh hưởng rất lớn đến mọi hoạt động của xã hội. Nhưng nhìn ở một góc độ khác, “Covid-19 đã xóa bỏ nhiều thói quen cũ, giúp tiếp nhận những thói quen mới dễ dàng hơn. Đó là thương mại điện tử, học trực tuyến, làm việc từ xa trong đó lĩnh vực công nghệ thông tin và an toàn thông tin đều là những lĩnh vực có lợi thế tự nhiên để phát triển trong giai đoạn không tiếp xúc này”.

Nói rộng hơn, đây chính là cơ hội để thực hiện chuyển đổi số tại Việt Nam. Trong một năm qua, Việt Nam đã thực hiện mạnh mẽ chương trình chuyển đổi số quốc gia với nhiều hoạt động cụ thể, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, cho đến cộng đồng doanh nghiệp. Chuyển đổi số là chuyện tất yếu cần phải triển khai ngay tại từng đơn vị, tổ chức và xa hơn nữa là trên quy mô quốc. Chuyển đổi số thành công sẽ góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số, xây dựng một Việt Nam lớn mạnh. 

20210909 pg3 tc
Các đại biểu đang thảo luận tại Tọa đàm trực tuyến

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ TT&TT cũng chỉ ra những rào cản khó khăn phải vượt qua trong tiến trình chuyển đổi số. Rào cản lớn nhất với chuyển đổi số nói chung và CNTT nói riêng là tư duy và thói quen cũ. Muốn thành công thì phải xuất phát từ sự quyết tâm và sự vào cuộc của những người đứng đầu. Rào cản lớn thứ hai là hành lang pháp lý và rào cản lớn  thứ ba là nhân sự và chuyên gia tham gia chuyển đổi số. Rào cản cuối cùng và quan trọng nhất là niềm tin số khi mà chúng ta chuyển các hoạt động lên không gian mạng. Và nhiệm vụ quan trọng nhất đối với những người làm an toàn, an ninh mạng trong giai đoạn này là củng cố, tạo lập niềm tin số cho xã hội khi tham gia vào các hoạt động trên không gian mạng, thúc đẩy chính phủ số, kinh tế số xã hội số phát triển. 

Không gian mạng cũng như không gian sống của chúng ta luôn tiềm ẩn các nguy cơ mới sẽ thường xuyên xuất hiện. Các cường quốc cũng như các quốc gia phát triển cũng phải đương đầu với các nguy cơ về an toàn an ninh mạng. Nhận thức được vấn đề đó, ngay từ khi xây dựng Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia, Bộ TT&TT đã xác định an toàn, an ninh mạng là yếu tố then chốt để chuyển đổi số thành công. An toàn, an ninh mạng là trách nhiệm để bảo vệ sự thịnh vượng của quốc gia trên không gian mạng. “Tại Tọa đàm hôm nay, chúng ta cùng nhau bàn luận, giải quyết các vấn đề bài toán quốc gia, giải quyết nỗi đau của xã hội mà hàng triệu người đang gặp phải hằng ngày: Đó là an toàn an ninh mạng và nâng cao niềm tin số”, Thứ trưởng bày tỏ hy vọng.

Đồng thời, Thứ trưởng giao Cục An toàn thông tin tổng hợp những cái ý kiến đóng góp tại Tọa đàm, báo cáo lên Lãnh đạo Bộ, từ đó đề ra những giải pháp tốt hơn để mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp đều có những niềm tin số vững vàng.

Cũng tại Tọa đàm, các đại biểu đã nghe các tham luận với nội dung quan trọng như: “Liên kết nhà nước - doanh nghiệp trong xây dựng niềm tin số cho người dùng Việt Nam”, “Tình hình an toàn, bảo mật hệ thống thông tin và dữ liệu của ngành chứng khoán”... 

Ngoài ra, các đại biểu cũng tham gia thảo luận các nội dung: Nhận diện các nguy cơ lừa đảo, gian lận trong các giao dịch trực tuyến; Hợp tác giữa các tổ chức/doanh nghiệp trong phòng ngừa, phát hiện các mối đe dọa ATTT; Xây dựng và diễn tập ứng cứu các sự cố ATTT; Đề xuất, khuyến nghị chính sách, chiến lược nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đảm bảo ATTT doanh nghiệp. 

Giang Phạm

Nguồn tin: www.mic.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây