Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, nói đến kinh tế là nói đến sản xuất, trao đổi, phân phối và tiêu dùng. Nói đến kinh tế số là nói đến sản xuất số, trao đổi số, phân phối số và tiêu dùng số.
Bộ trưởng cho biết cái mới bao giờ cũng cần thể chế mới, đó là thể chế số. Thể chế số đóng vai trò kiến tạo phát triển số, đảm bảo các hoạt động giao dịch số được hợp pháp và được pháp luật bảo vệ, ví dụ như: thể chế về định danh và xác thực một con người trên không gian mạng; thể chế cho chữ ký số, thể chế về thanh toán số…
Cái mới thì cần một hạ tầng mới, đó là hạ tầng số, hạ tầng thì phải đi trước và chúng ta đặt ra mục tiêu cao lọt vào top 30 thế giới về hạ tầng số vào năm 2025. Đó là hạ tầng viễn thông băng thông rộng, mỗi người dân một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường Internet cáp quang, hạ tầng điện toán đám mây để xử lý dữ liệu. "Hạ tầng dữ liệu được coi là hạ tầng đất đai mới. Dữ liệu như một loại đất đai mới và canh tác trên đất đai này thì sẽ sinh ra giá trị mới".
Cũng theo Bộ trưởng, 34 nền tảng số quốc gia được ưu tiên phát triển để tạo nền móng thúc đẩy cho kinh tế số - xã hội số, đặc biệt là chuyển đổi số các ngành.
"Cái mới thì cần công cụ sản xuất mới, một nền sản xuất mới. Đó là các công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), IoT, robot… và nhà nước với tầm nhìn dài hạn sẽ đầu tư vào nghiên cứu cơ bản các công nghệ số cốt lõi. Các doanh nghiệp (DN) công nghệ số cốt lõi Việt Nam thì biến các công nghệ số nền tảng thành dịch vụ thông qua các nền tảng số và tất cả các DN thuộc mọi lĩnh vực sẽ sử dụng các dịch vụ công nghệ này để tạo ra sản phẩm trong lĩnh vực của mình", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định mọi DN đều có thể và đều phải trở thành DN công nghệ. Theo đó, Bộ trưởng cho biết một chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho các DN, nhất là các DN vừa và nhỏ sẽ được chính phủ hỗ trợ.
Cái mới thì cần thị trường mới, đó chính là các công dân số, xã hội số, theo đó, Bộ trưởng cho rằng cần đào tạo kỹ năng số cho toàn dân. "Việc giới thiệu và hướng dẫn sử dụng các ứng dụng số, nền tảng số an toàn cho người dân tin tưởng, tiêu sài các sản phẩm, dịch vụ số sẽ tạo ra thị trường số và là động lực cho phát triển kinh tế số. Các nền tảng đào tạo trực tuyến mở MOOC sẽ là lời giải cho đào tạo kỹ năng số và nhân lực số tại Việt Nam".
Bộ trưởng cũng cho rằng cái mới bao giờ cũng đi với các nguy cơ mới. "Đảm bảo an toàn thông tin trên không gian mạng cũng như các giải pháp để giảm thiểu các tác động tiêu cực của công nghệ số là một phần quan trọng của chiến lược và Việt Nam phải bảo vệ được sự thịnh vượng của mình trên không gian mạng".
Cuối cùng, theo Bộ trưởng, "Cái gì muốn quản lý được muốn thúc đẩy được thì phải đo lường và đánh giá được. Chúng ta sẽ ban hành bộ chỉ số đo lường kinh tế số và xã hội số trong năm nay, tức là tháng 12 này và từ năm sau sẽ đánh giá và công bố. Tất cả những nội dung trên của chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số là để nhằm đạt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030".
"Nếu chúng ta làm tốt, làm mạnh mẽ thì con số có thể cao hơn rất nhiều", Bộ trưởng Bộ TT&TT khẳng định.
Phiên toàn thể cấp cao sáng 6/12 là tiếp nối thành công của các phiên hội thảo chuyên đề, vinh dự được đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ tham dự đồng chủ trì và có phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tại phiên toàn thể cấp cao này đã tập trung vào các báo cáo chính gồm: Khung chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với Chiến lược phòng chống dịch COVID-19; công nghiệp 4.0: xu hướng toàn cầu và bài học cho Việt Nam; đổi mới sáng tạo - chìa khóa phục hồi và phát triển thời kỳ hậu COVID-19; công nghiệp hóa trong kỷ nguyên số và chia sẻ kinh nghiệm thành công của bang Utah (Mỹ) trong vấn đề phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa./.
Theo ICTVietnam
Nguồn tin: www.mic.gov.vn