Trong đó, lấy hiệu quả cải cách thủ tục hành chính (TTHC), sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là mục tiêu, động lực hướng đến xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch, thông suốt, hiệu quả. Những năm qua, bằng tư duy đổi mới, cách làm sáng tạo, sự nỗ lực, quyết tâm không ngừng nghỉ, CCHC góp phần tạo ra nhiều xung lực mới, kích thích những lợi thế và tiềm năng của tỉnh. Bộ máy hành chính của tỉnh ngày càng gọn nhẹ, chuyên nghiệp, hướng tới mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách nhanh nhất, tốt nhất.
Nhiều cách làm chưa có tiền lệ
CCHC là một trong những nhiệm vụ được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện, coi đây là giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Thời gian qua, CCHC của tỉnh có nhiều điểm nhấn quan trọng. Mỗi sở, ngành, địa phương có cách làm riêng, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế.
Sở Công Thương là cơ quan có chỉ số CCHC xếp loại tốt và luôn đứng nhóm đầu trong 20 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh. Có được kết quả này, hằng năm sở đều chủ động rà soát, đơn giản nhiều TTHC, trong đó chú trọng đơn giản thành phần hồ sơ, giảm thời gian giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền của sở. Sở Công Thương cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong thực hiện giải quyết TTHC theo mô hình “4 tại chỗ” ở Trung tâm Phục vụ hành chính công, gồm: tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, xét duyệt và trả kết quả tại chỗ ở 18 lĩnh vực với 126 TTHC, đạt 100%.
Ngành công thương thường xuyên rà soát những quy định, thủ tục bất cập, chưa phù hợp để kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền điều chỉnh, làm sao tạo ra khung pháp lý thông thoáng nhất, giảm thời gian cho công tác chuẩn bị đầu tư, từ đó tạo môi trường cạnh tranh và điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận giấy phép nhanh nhất. Hiện hơn 90% TTHC phát sinh thuộc thẩm quyền của sở đang thực hiện trực tuyến mức độ 3, 4. Rút ngắn 40% thời gian giải quyết TTHC so với quy định. |
Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Quốc Dũng |
Triển khai xây dựng chính quyền điện tử, trong đó dấu ấn đầu tiên là việc từng bước xây dựng, hoàn thiện quy trình hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh. Đến nay đã có 223 TTHC được đưa vào thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh giải quyết theo nguyên tắc “4 tại chỗ”, hầu hết các thủ tục được rút ngắn trên 30% thời gian. Phần mềm ứng dụng, hệ thống email công vụ cho tỉnh với 6.954 hộp thư, tỷ lệ sử dụng email công vụ tại tỉnh đạt gần 90%. Hệ thống phần mềm tại trung tâm cũng được tích hợp tổng đài tự động thông báo kết quả giải quyết TTHC qua tin nhắn SMS, tra cứu tiến độ giải quyết hồ sơ thông qua website, Zalo, Facebook; tích hợp chữ ký số để người xử lý hồ sơ có thể ký số trên hệ thống…
Đặc biệt, việc nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ CCHC đã tạo bước chuyển rõ nét. Điển hình như UBND huyện Lộc Ninh. Mặc dù là huyện biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số đông, một số xã còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, tỷ lệ phủ sóng internet yếu… nhưng chính sự vào cuộc quyết liệt, nhạy bén, linh hoạt của người đứng đầu, đa dạng trong các hình thức tuyên truyền, đến nay có xã đang tiếp nhận 100% hồ sơ trực tuyến mỗi ngày như Lộc Quang, Lộc Phú… và quyết tâm đưa dịch vụ công trực tuyến đạt cao hơn trong thời gian tới.
Bình Phước đã chọn đúng khâu đột phá trong cải CCHC, lấy cải cách TTHC làm nhiệm vụ trọng tâm để đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến. Toàn tỉnh có 1.916 TTHC, trong đó, đa số là TTHC mức độ 3, 4 (chiếm 83,5%). Tỉnh đã hoàn thành kết nối liên thông cung cấp dịch vụ công lên Cổng dịch vụ công quốc gia và đang tiếp tục kết nối đúng lộ trình lên Cổng dịch vụ công quốc gia theo quy định. Nhờ sự nỗ lực của các đơn vị, địa phương với những giải pháp thiết thực, hiệu quả, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến đã tăng vượt bậc từ 9% (trước ngày 19-5-2020) lên trên 90% (ngày 30-9-2020).
“Truyền lửa” cải cách từ tỉnh đến cơ sở
Thực hiện Quyết định số 999-QĐ/TU của Tỉnh ủy về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị theo Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, trước khi sắp xếp, kiện toàn, cấp tỉnh có 214 đầu mối, sau khi sắp xếp còn 124 đầu mối. Cấp huyện sau khi sắp xếp còn 126 đầu mối (giảm 12 đầu mối). Các đơn vị sự nghiệp công lập trước khi sắp xếp có 587 đầu mối (kể cả 36 đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo), sau khi sắp xếp còn 497 đầu mối. Việc hợp nhất các tổ chức, cơ quan cùng cấp tại tỉnh không đơn giản là sự sáp nhập mang tính cơ học, mà là quá trình tối ưu hóa mô hình tổ chức, kết nối hài hòa các mắt, các khâu. Qua đó, xây dựng, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn nhưng đủ mạnh, khắc phục được sự cồng kềnh, chồng chéo.
Giai đoạn 2020-2025, Bình Phước phấn đấu hoàn chỉnh hạ tầng công nghệ thông tin và nền tảng kỹ thuật chia sẻ dữ liệu, xây dựng chính quyền điện tử để tạo liên hệ giữa chính quyền với người dân, giữa chính quyền với doanh nghiệp, giữa các cơ quan chính quyền với nhau. Phấn đấu chính quyền điện tử của tỉnh trong top 30 các tỉnh, thành phố trên toàn quốc; 100% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức 3, 4; 90% hồ sơ TTHC được giải quyết trực tuyến; 100% hồ sơ được giải quyết đúng hạn theo quy định... |
Bình Phước xác định cải cách phải là không ngừng đổi mới và đổi mới liên tục, nhất là trong cải cách TTHC để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Kết quả cho thấy, năm 2016 chỉ có 1/30 cơ quan, đơn vị, địa phương có chỉ số xếp loại cải cách TTHC tốt; 14/30 cơ quan, đơn vị, địa phương có chỉ số xếp loại khá; còn lại là trung bình và yếu. Đến năm 2019 có 10/31 cơ quan, đơn vị, địa phương có chỉ số xếp loại tốt; 19/31 cơ quan, đơn vị, địa phương có chỉ số xếp loại khá; 2/31 cơ quan, đơn vị, địa phương xếp loại trung bình, không còn cơ quan yếu. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) đứng thứ 30/63 tỉnh, thành phố trong nhóm trung bình cao của cả nước.
Tăng cường cải cách TTHC theo hướng cắt giảm thủ tục, giảm thời gian, giảm chi phí, tăng tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 đã góp phần cắt giảm trên 40% thời gian giải quyết TTHC cho doanh nghiệp so với quy định. Từ đó uy tín về môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh ngày càng trở nên hấp dẫn đối với doanh nghiệp.
Để có được kết quả tích cực này, điều mà cả hệ thống chính quyền Bình Phước làm được trong những năm gần đây, đó là “dám nhìn thẳng vào sự thật”, tập trung CCHC toàn diện với quyết tâm thực hiện thành công nhiều mô hình, cách làm chưa có tiền lệ. Từ đó, tỉnh đã tìm ra cách để “truyền lửa” cải cách từ cấp tỉnh đến cơ sở. Kết quả rõ nhất chính là việc tỷ lệ đánh giá hài lòng chung đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trong toàn tỉnh đã đạt trên 90% trong năm 2019.
Tiếp tục xác định là nhiệm vụ đột phá
Xây dựng chính quyền từ tỉnh đến cơ sở theo hướng chính quyền điện tử, phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, đặc biệt nhất là lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo chất lượng hoạt động tiếp tục là một trong những mục tiêu xuyên suốt, được tỉnh quyết tâm, dồn lực thực hiện.
Để CCHC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngoài thực hiện đồng bộ các giải pháp thì trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiếp tục được phát huy. Nhiệm kỳ 2015-2020 cho thấy, ở đâu người đứng đầu quyết tâm, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ CCHC, thì ở đó chuyển biến tích cực, tạo sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp.