Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Bình Phướchttps://ictc-binhphuoc.gov.vn/uploads/logo-w-ictc_1.png
Thứ ba - 01/08/2023 21:294050
(CTTĐTBP) - Chiều 28/7, tại Trung tâm Hội nghị Trường Chính trị tỉnh, UBND tỉnh đã tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) năm 2023” nhằm thúc đẩy các cấp ngành, địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trên địa bàn tỉnh nâng cao nhận thức và áp dụng CĐS vào phát triển, tăng năng suất, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, quản trị.
Tham dự hội thảo có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh; Phó Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT) Nguyễn Hữu Nguyên, Phó Trưởng phòng Dịch vụ số (Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT) Mai Thanh Hải; đại diện lãnh đạo một số sở TT&TT các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ; các doanh nghiệp cung cấp nền tảng số, giải pháp số.
Trong những năm qua, Bình Phước đạt được những kết quả rất tích cực về chuyển đổi số. Riêng năm 2022, xếp hạng chuyển đổi số của Bình Phước đứng thứ 12 so với các tỉnh, thành phố trong cả nước, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Bộ. Trong đó, chính quyền số xếp thứ 12, kinh tế số xếp thứ 22, xã hội số xếp thứ 14.
Tính đến ngày 27/7/2023, Bình Phước đã cung cấp 1.465 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, trong đó có 1.073 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, đứng thứ 5 trên 63 tỉnh, thành phố. Từ đầu năm 2021 đến nay, kết quả thanh toán trực tuyến phí và lệ phí, toàn tỉnh đạt gần 26.015 giao dịch thành công, xếp thứ 5 trên 63 tỉnh, thành phố. Thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính lĩnh vực đất đai với trên 114.579 giao dịch thành công, đứng đầu so với 63 tỉnh, thành phố.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh nhấn mạnh, có được kết quả bứt phá trên là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự tham gia hưởng ứng trách nhiệm, nhiệt tình của người dân, doanh nghiệp. Bình Phước cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Bộ TT&TT, từ các doanh nghiệp, tập đoàn cung cấp nền tảng số, giải pháp số. Bên cạnh đó, tỉnh có lộ trình về CĐS rất rõ ràng, hợp lý và bố trí nguồn lực phù hợp để tổ chức, sắp xếp các nhiệm vụ, công việc CĐS theo thứ tự ưu tiên. Lĩnh vực nào doanh nghiệp, người dân cần thì tập trung chuyển đổi trước; thực hiện chuyển đổi từng lĩnh vực, tiến tới chuyển đổi tổng thể và toàn diện. Bình Phước cũng đẩy mạnh truyền thông về CĐS một cách tích cực, thường xuyên. Thông qua truyền thông đã thay đổi nhận thức của một bộ phận người dân, doanh nghiệp, dẫn đến thay đổi hành vi, thói quen, chuyển từ các phương thức truyền thống sang phương thức số, môi trường số, làm việc với công nghệ số…
Tại hội thảo, các tập đoàn, doanh nghiệp cung cấp nền tảng số, giải pháp số và các diễn giả, chuyên gia đã chia sẻ nhiều tham luận về: Giải pháp ứng dụng công nghệ mới để xây dựng trung tâm dữ liệu số và an toàn an ninh phục vụ CĐS; mô hình ứng dụng tiện ích nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và phát triển hạ tầng viễn thông phục vụ việc xây dựng hạ tầng đồng bộ; giải pháp hệ sinh thái CĐS; giải pháp quy trình khép kín hỗ trợ doanh nghiệp phát hành sản phẩm số và bán sản phẩm số thành công, giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, giảm chi phí…
Phát biểu bế mạc hội thảo, Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Minh Quang cho biết: Từ kết quả hội thảo, đề nghị các cơ quan chuyên môn ghi nhận, tổng hợp để tiếp tục tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch, chính sách hỗ trợ, định hướng kịp thời cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh triển khai, áp dụng CĐS vào các hoạt động. Đồng thời, Bình Phước mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ Bộ TT&TT, các doanh nghiệp cung cấp nền tảng số hỗ trợ để Bình Phước có bước phát triển đột phá trên lĩnh vực CĐS.