24 T12/2021

Những lầm tưởng nguy hiểm về an toàn thông tin mạng phổ biến nhất

(Mic.gov.vn) - Ngay cả khi nhận thức về an toàn thông tin mạng (ATTTM) ngày càng được nâng cao, những quan niệm sai lầm về vấn đề này có thể là rào cản lớn đối với bảo mật ATTTM hiệu quả.

Các cuộc tấn công mạng phát triển mạnh ở những nơi có lỗ hổng. Trong khi một số lỗ hổng liên quan đến các thiết bị và hệ thống mạng, một số lỗ hổng khác chính là kết quả của niềm tin và nhận thức.

Những quan niệm sai lầm và ý tưởng tiêu cực về an toàn thông tin mạng có thể là những rào cản lớn đối với vấn đề bảo mật của một tổ chức.

Dưới đây là những quan điểm sai lầm nguy hiểm về ATTTM phổ biến nhất mà The Hacker News đã đưa ra.

Quá nhiều bảo mật sẽ làm giảm năng suất

Có nhiều ý kiến cho rằng việc tăng cường bảo mật sẽ khiến nhân viên khó tiếp cận những gì họ cần. Các chính sách bảo mật nghiêm ngặt như giám sát thường xuyên và kiểm soát truy cập được cho là có thể cản trở năng suất trong công việc.

Tuy nhiên, việc loại bỏ bảo mật có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho doanh nghiệp (DN). Một cuộc tấn công thành công có thể đưa một DN vào tình trạng tê liệt và bế tắc. Nhân viên không thể truy cập được vào các tệp, hệ thống mạng và thông tin quan trọng sau một cuộc tấn công. Quá trình phục hồi cũng có thể mất nhiều ngày và đôi khi thậm chí vài tuần.

Thực tế cho thấy, hệ thống ATTTM hiệu quả có thể thúc đẩy nâng cao năng suất. Các phương pháp tiếp cận ATTTM hiện đại sử dụng các công cụ có tính năng bảo mật tích hợp sẵn, tích hợp liền mạch vào hệ thống của tổ chức. Nó cũng tận dụng các công nghệ tiên tiến và phân tích để phát hiện và giảm thiểu các mối đe dọa trong thời gian thực. Điều này cho phép các DN, nhà phát triển có thể yên tâm tập trung vào việc cải thiện năng suất thay vì phải lo lắng về các vấn đề bảo mật.

Các cuộc tấn công mạng chỉ do các tác nhân đe dọa bên ngoài gây ra

Các mối đe dọa từ bên trong đang có xu hướng ngày càng gia tăng và nhanh chóng trở thành mối lo ngại cho các DN. Các mối đe dọa nội bộ có thể bao gồm nhân viên, nhà cung cấp, nhà thầu, đối tác kinh doanh hoặc kẻ xâm nhập bên ngoài đang cố gắng mạo danh nhân viên.

Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy các mối đe dọa nội gián là nguyên nhân gây ra 60% các vụ vi phạm dữ liệu.

Một tổ chức không bao giờ có thể nhận thức được đầy đủ về nguồn gốc của những cuộc tấn công và các giải pháp bảo mật truyền thống phần lớn không hiệu quả khi gặp phải những mối đe dọa này. Điều này khiến chúng khó bị phát hiện và ngăn chặn hơn nhiều so với các mối đe dọa từ bên ngoài.

Và trên thực tế, các cuộc tấn công mạng hoàn toàn có thể bắt đầu từ một người mà chúng ta biết. Do đó, các tổ chức cần sử dụng kết hợp phân tích hành vi và quản lý đặc quyền cũng như quyền truy cập để giảm thiểu các mối đe dọa từ nội bộ. Đồng thời, tiến hành các buổi đào tạo nâng cao nhận thức bảo mật cho nhân viên về sự nguy hiểm của các mối đe dọa nội gián và cách phát hiện chúng.

Tội phạm mạng chỉ tấn công các DN lớn

Các DN vừa và nhỏ thường nhận định sai lầm rằng dữ liệu của họ không có giá trị đối với tin tặc. Tuy nhiên, các DN vừa và nhỏ đang là một trong những mục tiêu hàng đầu của tin tặc.

Một nghiên cứu gần đây tiết lộ rằng tin tặc đã nhắm mục tiêu vào các DN nhỏ gần một nửa thời gian. Nhưng chỉ 14% trong số các DN này đã sẵn sàng để tự vệ trong những tình huống như vậy.

Không một DN nào - bất kể quy mô lớn hay nhỏ, có khả năng miễn dịch với các nỗ lực tấn công có chủ đích. Tin tặc không phân biệt đối tượng tấn công của họ. Vì vậy, đừng nghĩ về quy mô DN mà hãy xác định giá trị của dữ liệu hoặc mức độ an toàn của tài sản để có biện pháp bảo mật phù hợp và hiệu quả.

Phần mềm chống vi-rút hoặc chống phần mềm độc hại đủ để bảo vệ DN

Phần mềm chống vi-rút là một phần thiết yếu trong kế hoạch ATTTM của bất kỳ một tổ chức nào. Tuy nhiên, nó chỉ bảo mật một điểm vào của hệ thống. Tin tặc có nhiều cách để vượt qua phần mềm chống vi-rút và xâm nhập vào mạng bằng các cuộc tấn công như tấn công lừa đảo có chủ đích và các cuộc tấn công bằng mã độc tống tiền (ransomware).

20211224 pg5

Sự thật thì phần mềm chống vi-rút chỉ có thể bảo vệ tổ chức khỏi một loạt các mối đe dọa mạng đã được công nhận, chứ không phải khỏi các mối đe dọa mạng mới nổi khác.

Là một DN cần phải hành động nhiều hơn nữa để bảo mật dữ liệu của mình khỏi tin tặc. Triển khai giải pháp bảo mật toàn diện như tường lửa ứng dụng web (Web Application Firewall) có thể giúp giám sát các mối đe dọa liên tục và cung cấp khả năng bảo vệ đầu cuối 24/7 khỏi các rủi ro mạng.

Chi phí bảo mật mạng quá đắt

Ngay cả khi các cuộc tấn công mạng tiếp tục gia tăng mạnh mẽ và khiến các DN tiêu tốn hàng triệu USD, các công ty vẫn tự hỏi liệu các khoản đầu tư vào ATTTM có xứng đáng hay không. Và vấn đề bảo mật dữ liệu thường bị các DN bỏ qua.

Trên thực tế, chi phí trung bình cho một vụ vi phạm dữ liệu vào năm 2021 là 4,24 triệu USD, cao nhất trong vòng 17 năm qua. Con số này không bao gồm thiệt hại đi kèm với tổn thất danh tiếng, hệ thống tê liệt và tổn thất khách hàng do vi phạm. Những thiệt hại do các cuộc tấn công mạng thường lớn hơn các khoản đầu tư ban đầu để ngăn chặn các cuộc tấn công như vậy.

Do đó, các tổ chức cần nhận thức rõ vấn đề là đầu tư để có một hệ thống bảo mật tốt ngay từ đầu hay phải trả một khoản tiền đáng kể để khắc phục mọi thứ sau cuộc tấn công?

Không chú trọng ATTTM vì chưa bao giờ bị tấn công

Nếu một tổ chức chưa bao giờ trải qua một cuộc tấn công mạng hoặc vi phạm dữ liệu, rất có thể họ không nhận thức được hậu quả mà chúng có thể gây ra. Thậm chí vì chưa từng bị tấn công, nên nhiều tổ chức, DN cho rằng hệ thống bảo mật hiện tại của họ là đủ mạnh để ngăn chặn những kẻ xấu.

Tuy nhiên, các mối đe dọa mạng và các công cụ tấn công liên tục phát triển để ngày càng trở nên tinh vi hơn và khó phát hiện hơn. Bất kỳ dữ liệu nhạy cảm nào cũng có thể là mục tiêu tiềm ẩn của tin tặc và DN của bạn có thể dễ dàng trở thành mục tiêu tiếp theo bất kỳ lúc nào.

Phát triển một chiến lược bảo mật hợp lý có thể giúp tổ chức xác định các điểm yếu hiện có và giảm thiểu các nỗ lực tấn công trước khi chúng gây ra những thiệt hại đáng kể.

Tự tin thái quá về hệ thống bảo mật

Việc triển khai các giải pháp bảo mật là điều rất tốt vì các giải pháp ATTTM hiệu quả tạo ra sức đề kháng mạnh mẽ chống lại các mối đe dọa mạng.

Tuy nhiên, ATTTM là một quá trình cần được nâng cấp liên tục trong bối cảnh các mối đe dọa ngày càng tinh vi. Và thực tế, không có cái gọi là ATTTM toàn diện hoặc hoàn hảo chống lại các cuộc tấn công mạng 100%. Các tổ chức có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi các mối đe dọa mới xuất hiện bất cứ lúc nào.

Do đó, các tổ chức, DN không nên tự tin thái quá vào hệ thống bảo mật của mình mà cần xem xét các chính sách bảo mật theo định kỳ, tiến hành kiểm tra bảo mật, giám sát các tài sản quan trọng của DN một cách liên tục; Bám sát những điểm mạnh và điểm yếu của giải pháp đã thực hiện và chú ý nhiều hơn đến những điểm yếu vì chúng khiến hệ thống dễ bị tấn công hơn; đầu tư các bản cập nhật mới trong các biện pháp bảo mật.

Các cuộc tấn công mạng đang gia tăng, tuy nhiên với tư duy chủ động, nhận thức đúng đắn về ATTTM các tổ chức, DN hoàn toàn có thể đảm bảo công việc kinh doanh và hoạt động trực tuyến một cách an toàn và hiệu quả./.

theo ictvietnam.vn

Nguồn tin: www.mic.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây