03 T08/2022

Bình Phước bứt phá trong chuyển đổi số

(CTTĐTBP) - Từ một tỉnh có xuất phát điểm thấp, sau gần hai năm, Bình Phước đã nỗ lực tạo ra bứt phá, thành công trong thực hiện chuyển đổi số nhiều nội dung dẫn đầu cả nước.

Để có kết quả ấy, tỉnh đã có những giải pháp, bước đi táo bạo, phát động các chiến dịch thi đua, tạo sự đồng thuận giữa chính quyền và nhân dân trong thực hiện CĐS trên cơ sở triển khai hiệu quả chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ về chuyển đổi số (CĐS).

Đi trước, đón đầu

CĐS, ứng dụng công nghệ thông tin là xu hướng tất yếu của sự phát triển, giúp tăng tính cạnh tranh, cải cách thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí, thời gian... đang được nhiều tỉnh, thành phố thực hiện theo nghị quyết của Bộ Chính trị và chương trình hành động của Chính phủ về CĐS.

Là địa phương gần như không có nền tảng ban đầu để triển khai CĐS, tỉnh Bình Phước đã xác định mục tiêu “đi trước, đón đầu” bằng việc tiên phong xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, hướng tới xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số theo lộ trình linh hoạt, tiến tới CĐS toàn diện. Tỉnh ủy Bình Phước đã ban hành nghị quyết chuyên đề về CĐS, tạo sự thống nhất, đồng bộ và quyết tâm chính trị cao ở các cấp, ngành, địa phương. Ở các cấp đều xây dựng các nghị quyết chuyên đề, kế hoạch, mục tiêu cụ thể về CĐS phù hợp với các tiêu chí, yêu cầu đặt ra từ thực tiễn.

xa nghia binh 1 1

Sở Thông tin và Truyền thông tập huấn cho cán bộ Tổ công nghệ số cộng đồng ở xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng

Đồng chí Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: "CĐS đã trở thành một quyết tâm chính trị lớn của cả hệ thống chính trị. Chúng tôi coi đây là nhiệm vụ cần ưu tiên triển khai, gắn với phát động các chiến dịch thi đua, tập trung ở 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Định hướng đến năm 2025, Bình Phước cơ bản hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số".

Với quan điểm coi doanh nghiệp, người dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực của quá trình CĐS, lãnh đạo tỉnh Bình Phước luôn tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đẩy mạnh CĐS nhằm tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy giá trị đổi mới sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển.

Từ năm 2021 đến nay, địa phương đã đạt một số kết quả nổi bật, trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước về thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai và chứng thực điện tử; xếp thứ hai về kết nối dịch vụ công trực tuyến với Cổng dịch vụ công quốc gia; đứng thứ ba khu vực Đông Nam Bộ và đứng thứ 6 trong các tỉnh phía Nam về chỉ số CĐS cấp tỉnh và xếp hạng 25/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. 

Những năm gần đây, tỉnh Bình Phước đã triển khai nhiều hội thảo chuyên đề về CĐS, các địa phương, ban, ngành đều có nghị quyết lãnh đạo chuyên đề, kế hoạch hành động, thi đua về CĐS, ký kết với các đơn vị đầu ngành như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Công ty Cổ phần FPT, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ cấp xã, phường, thị trấn; ra mắt trang thông tin trực tuyến về CĐS giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận thông tin, giải pháp, dịch vụ về CĐS, đóng góp các ý kiến, hiến kế cho chương trình CĐS của tỉnh.

Cách làm đột phá, sáng tạo

Với quan điểm lấy cán bộ, công chức, doanh nghiệp và người dân làm chủ thể trung tâm, là động lực chính trong CĐS, Bình Phước đã triển khai thành lập 111 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, 845 tổ công nghệ số cấp thôn với 5.520 thành viên, tạo nên mạng lưới hỗ trợ đều khắp, sát với thực tế, giải quyết các vướng mắc từ cơ sở. Các tổ công nghệ số tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp CĐS, tham gia dịch vụ công trực tuyến.

Đồng chí Đậu Trọng Tình, chuyên viên công nghệ thông tin UBND huyện Bù Đốp chia sẻ: "Bên cạnh việc hỗ trợ thì vấn đề thay đổi nhận thức, thói quen của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn có vai trò rất lớn để tạo sự đồng thuận từ cơ sở. 

Đoàn viên, thanh niên ở nhiều xã trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân tạo tài khoản dịch vụ công ở bộ phận “một cửa” nên tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến ngày càng cao. Công dân có tài khoản dịch vụ công là có thể thực hiện được các thủ tục hành chính liên quan đến hộ tịch, đất đai, nộp thuế cá nhân, khai sinh... không phải đến trực tiếp trụ sở xã, huyện như trước đây".

Ở khía cạnh kinh tế số, Bình Phước đã tạo đột phá khi UBND tỉnh triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, sản xuất. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước cùng với chính quyền địa phương cấp huyện thiết lập các sàn thương mại điện tử giới thiệu sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp xây dựng website thông tin thương mại, xây dựng thương hiệu, cung cấp thiết bị, tiện ích trên nền tảng số...

Nhờ sự hỗ trợ này, đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 220 doanh nghiệp, hợp tác xã đưa 466 sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử; ngành thuế đã chuẩn hóa dữ liệu hóa đơn điện tử cho hơn 8.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Phước phối hợp với các công ty cung cấp các giải pháp phần mềm kế toán, quản trị triển khai gói tài trợ cho doanh nghiệp, giúp hơn 1.900 doanh nghiệp, hộ kinh doanh sử dụng phần mềm kế toán, quản trị tích hợp cao.

Bình Phước đang phấn đấu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GRDP của tỉnh; 20% trang trại, doanh nghiệp với khoảng 5/7 sản phẩm được số hóa; các xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm số hóa phải có 100% sản phẩm đặc trưng được số hóa.

Theo đồng chí Nguyễn Minh Quang - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, tỉnh đang triển khai chiến dịch cao điểm 92 ngày đêm “Nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh CĐS để phát triển chính quyền số” diễn ra từ ngày 01/6 đến 31/8/2022. Chiến dịch tập trung vào 9 nhóm nội dung thi đua: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị, địa phương, đoàn thể; xây dựng chương trình, kế hoạch CĐS theo từng ngành, lĩnh vực, địa phương; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công nghệ số, CĐS cho cán bộ, công nhân viên chức, người lao động; ưu tiên các nguồn lực thực hiện CĐS; đầu tư, phát triển hạ tầng số, nền tảng số, thử nghiệm công nghệ mới; đẩy mạnh nghiên cứu, hợp tác nhằm hình thành các mô hình kinh doanh, sản xuất sản phẩm, dịch vụ mới, từng bước ứng dụng công nghệ số, bảo đảm an ninh thông tin và an toàn dữ liệu, ưu tiên, đẩy mạnh thi đua trong CĐS...

Chiến dịch trên đã tạo động lực thi đua mạnh mẽ, có trọng tâm, giúp Bình Phước sớm hoàn thành mục tiêu đạt tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 80%, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến đạt 50%, tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 100%.

Đây là nền tảng, động lực để Bình Phước tiếp tục đạt được nhiều thành quả về CĐS, doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi, tăng sức hút đầu tư ở địa bàn có xuất phát điểm, lợi thế phát triển kém hơn nhiều tỉnh miền Đông Nam Bộ sớm bứt phá, phát triển bền vững, tận dụng nhiều cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư./.

Tác giả bài viết: Đặng Bảo Minh

Nguồn tin: binhphuoc.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây