TRUNG TÂM CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG BÌNH PHƯỚC
Căn cứ Quyết định số 2441/QĐ-UBND ngày 10/11/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước về việc thành lập Trung tâm công nghệ Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước và và hoạt động theo Quyết định số 83 /QĐ-STTTT ngày 31 tháng 8 năm 2023 của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước. Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn:
Điều 1. Vị trí
1. Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước (viết tắt: Trung tâm) trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông, là đơn vị sự nghiệp công lập có thu, tự đảm bảo một phần chi thường xuyên theo quy định của pháp luật.
2. Trung tâm có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và tổ chức tín dụng để hoạt động theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Chức năng
Trung tâm có chức năng giúp Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân tỉnh giao về tổ chức các hoạt động sự nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông; tổng hợp, giám sát, điều hành các dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh; cung cấp các giải pháp, dịch vụ tư vấn về ứng dụng trong lĩnh vực Công nghệ thông tin và Truyền thông và các dịch vụ đô thị thông minh; quản lý, vận hành hạ tầng kỹ thuật chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số tỉnh Bình Phước; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông; đầu mối ứng cứu, xử lý sự cố an toàn an ninh thông tin trên địa bàn tỉnh, đảm bảo an toàn các hệ thống thông tin; nghiên cứu, tiếp nhận, tư vấn ứng dụng, chuyển giao và cung cấp các dịch vụ về công nghệ thông tin và truyền thông cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; tổ chức hoạt động và trực tiếp quản trị, vận hành Cổng thông tin điện tử tỉnh; chủ trì phối hợp quản lý, vận hành Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh, Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh.
Chương II
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN
Điều 3. Nhiệm vụ
1. Trực tiếp Tổ chức vận hành chức năng Giám sát, điều hành các dịch vụ đô thị thông minh tỉnh theo quy định của UBND tỉnh ban hành.
2. Quản lý, vận hành hạ tầng kỹ thuật chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số của tỉnh
a) Quản lý, vận hành, duy trì hoạt động của hệ thống dùng chung (Trung tâm tích hợp dữ liệu, Hội nghị truyền hình trực tuyến, Nền tảng tích hợp, liên thông, kết nối chia sẽ dữ liệu của tỉnh, Quản lý văn bản, Cổng thông tin điện tử tỉnh, dịch vụ công trực tuyến,…) và mạng diện rộng (WAN), đường truyền số liệu chuyên dùng trong cơ quan nhà nước của tỉnh;
b) Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trong tỉnh kết nối, cung cấp nội dung thông tin và các dịch vụ hành chính công tích hợp tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu kết xuất lên Cổng thông tin điện tử của tỉnh;
c) Quản lý và vận hành hệ thống Thư điện tử (Email) của tỉnh phục vụ cho công tác chỉ đạo và điều hành của các cấp lãnh đạo;
d) Quản lý vận hành các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh.
đ) Phối hợp quản trị, vận hành các hệ thống hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, hệ thống hội nghị trực tuyến, các hệ thống thông tin hành chính điện tử của tỉnh.
3. Nghiên cứu, tiếp nhận, ứng dụng, chuyển giao về công nghệ thông tin và truyền thông cho các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh
a) Tiếp nhận, đào tạo và hướng dẫn áp dụng công nghệ thông tin, chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số cho các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh;
b) Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp ứng dụng về công nghệ thông tin và truyền thông để tư vấn, hỗ trợ cho các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong quản lý, điều hành, cung cấp các dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp đảm bảo đồng bộ với Khung kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh;
c) Thực hiện triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, số hóa điện tử cho các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh.
4. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông
a) Tổ chức thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông trên địa bàn tỉnh; đào tạo cán bộ, công chức, viên chức khai thác và ứng dụng công nghệ thông tin làm công cụ quản lý;
b) Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn hoặc phối hợp, liên kết đào tạo phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông đáp ứng nhu cầu phát triển công nghệ thông tin của tỉnh và nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin của xã hội;
5. Đầu mối ứng cứu xử lý sự cố an toàn an ninh thông tin trên địa bàn tỉnh
a) Hỗ trợ các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đoàn thể chính trị xã hội của tỉnh; các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh về công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin;
b) Thực hiện trách nhiệm thành viên đầu mối của tỉnh trong mạng lưới ứng cứu sự cố máy tính trên toàn quốc. Liên kết, phối hợp với các bộ phận ứng cứu máy tính tại các tỉnh, thành khác nhằm ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố máy tính, mạng máy tính, mạng Internet dưới sự điều phối của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT);
c) Thu thập và cung cấp kịp thời thông tin, thông báo, cảnh báo về sự cố mạng, máy tính, các điểm yếu, lỗ hổng bảo mật, các nguồn tấn công mạng, máy tính để các cơ quan, tổ chức chủ động phòng, chống, giảm thiểu rủi ro, mất an toàn an ninh thông tin;
d) Đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác ứng cứu sự cố mạng, máy tính và đảm bảo an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh.
6. Quản lý, vận hành Cổng thông tin điện tử tỉnh
a) Quản trị, vận hành kỹ thuật và các nghiệp vụ liên quan đến thông tin tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử tỉnh và các trang trên mạng xã hội của Cổng thông tin điện tử tỉnh. Đồng thời, làm nhiệm vụ của Tổ giúp việc, Thư ký cho Ban Biên tập Cổng thông tin điện tử tỉnh;
b) Tiếp nhận ý kiến phản hồi, góp ý của tổ chức, công dân gửi đến Cổng thông tin điện tử tỉnh và phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng, địa phương phản hồi, trả lời tổ chức, công dân theo quy định;
c) Hỗ trợ, phối hợp với các Cổng/Trang thông tin điện tử thành phần về công tác nghiệp vụ kỹ thuật; viết, biên tập, xử lý thông tin tuyên truyền; liên kết, tích hợp dữ liệu, dịch vụ công trực tuyến vào Cổng thông tin điện tử tỉnh;
d) Thực hiện việc thanh toán tiền nhuận bút, tiền thù lao hằng tháng của Cổng thông tin điện tử tỉnh cho các đối tượng được thụ hưởng theo đúng quy định.
7. Công tác tham mưu cho Sở Thông tin và Truyền thông
a) Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp kỹ thuật, công nghệ để tham mưu cho Sở Thông tin và Truyền thông trong công tác quản lý nhà nước và triển khai ứng dụng về công nghệ thông tin và truyền thông trên địa bàn tỉnh;
b) Tham mưu xây dựng Kế hoạch duy tu bảo dưỡng, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin Trung tâm Tích hợp dữ liệu, Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh và mạng diện rộng (WAN) tỉnh;
c) Tham gia xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển công nghệ thông tin và truyền thông; triển khai các nhiệm vụ được giao về dự án chính quyền điện tử tỉnh;
d) Tham gia việc duy trì các ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông của Sở Thông tin và Truyền thông;
đ) Phối hợp với các phòng chuyên môn của Sở Thông tin và Truyền thông để thẩm định kỹ thuật các công trình, dự án về công nghệ thông tin và truyền thông;
e) Tham mưu các giải pháp và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo mật, an toàn an ninh thông tin cho Chính quyền điện tử tỉnh, hướng đến chính quyền số.
8. Hoạt động kinh doanh dịch vụ về công nghệ thông tin và truyền thông
a) Cung cấp dịch vụ lưu trữ dữ liệu các website cho các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật; đảm bảo kỹ thuật cho Cổng/trang thông tin điện tử của của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh hoạt động 24/24;
b) Tư vấn và cung cấp các dịch vụ nội dung thông tin số cho tổ chức, cá nhân;
c) Phát triển, sản xuất phần mềm, ứng dụng và thiết kế website cho các tổ chức, cá nhân;
d) Cung cấp dịch vụ ứng cứu sự cố máy tính; bảo trì mạng và thiết bị công nghệ thông tin; sửa chữa, cung cấp linh kiện, thiết bị công nghệ thông tin và viễn thông; thiết kế và thi công mạng máy tính, các hệ thống thông tin;
đ) Lập, tư vấn, quản lý dự án, thiết kế, giám sát và thi công các dự án công nghệ thông tin và truyền thông; tư vấn đánh giá chất lượng sản phẩm, công trình thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông;
e) Tiếp nhận, thử nghiệm, chuyển giao các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin cho tổ chức, cá nhân;
f) Tổ chức và phối hợp tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo, triển lãm, truyền thông, cung cấp, phát hành các loại thẻ cào, thiết bị đầu cuối trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông;
g) Thực hiện việc xuất bản các ấn phẩm, bản tin về công nghệ thông tin và truyền thông theo quy định của pháp luật và nhiệm vụ được giao nhằm phổ biến kiến thức về khoa học, công nghệ; tuyên truyền, hướng dẫn dư luận xã hội về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc ứng dụng và phát triển thông tin và truyền thông;
h) Triển khai công tác tuyên truyền, tổ chức thiết kế in ấn, quảng cáo, truyền thông đa phương tiện, truyền thông quảng cáo trực quan;
i) Làm đối tác triển khai và phân phối các dịch vụ, sản phẩm về công nghệ thông tin và truyền thông;
j) Tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học về công nghệ thông tin và truyền thông.
9. Hoạt động chuyển đổi số
a) Thiết kế website, hướng dẫn vận hành, quản trị, tác nghiệp các cổng/trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị;
b) Tổ chức, triển khai hướng dẫn thực hiện các hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch điện tử, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, kinh tế số và xã hội số tại địa phương;
c) Tư vấn xây dựng, lập kế hoạch chương trình đề án của địa phương về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
10. Nhiệm vụ khác: Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo định kỳ và đột xuất về các nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương; thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của UBND tỉnh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông.
Điều 4. Quyền hạn
Trung tâm được thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ, cụ thể như sau:
1. Được tự chủ trong việc ký kết hợp đồng kinh tế theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật.
2. Được tự chủ về tài chính, chủ động bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ được giao; được chủ động sử dụng biên chế được giao; được ký kết hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động phù hợp với khối lượng công việc và khả năng tài chính của Trung tâm.
3. Hợp tác, liên doanh, nhận tài trợ của các tổ chức, cá nhân để tiến hành hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông theo quy định của pháp luật.
4. Các quyền khác theo quy định của pháp luật hiện hành.
Chương III
CƠ CẤU TỔ CHỨC, BIÊN CHẾ VÀ CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC
Điều 5. Lãnh đạo Trung tâm
1. Trung tâm có Giám đốc và không quá 02 Phó Giám đốc.
2. Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động, khen thưởng, kỷ luật, cho từ chứ, nghỉ hưu và thực hiện chế độ, chính sách đối với Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm; Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng thuộc Trung tâm thực hiện theo quy định của pháp luật và phân cấp thẩm quyền quản lý viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh ban hành.
Điều 6. Cơ cấu tổ chức
1.Trung tâm có các phòng chuyên môn, nghiệp vụ như sau:
a) Phòng Hành chính - Dịch vụ;
b) Phòng Chuyển đổi số và Truyền thông.
2. Nhiệm vụ cụ thể của các phòng chuyên môn, nghiệp vụ do Giám đốc Trung tâm quy định.
3. Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Trung tâm phải đảm bảo đủ điều kiện về số lượng người làm việc là viên chức để thành lập từ 07 người trở lên và phù hợp với quy định về tổ chức bộ máy. Việc bố trí chức danh lãnh đạo cấp phòng thuộc Trung tâm theo nguyên tắc: từ đủ 07 đến 09 người làm việc là viên chức được bố trí 01 cấp trưởng, 01 cấp phó; có từ đủ 10 người làm việc là viên chức trở lên được bố trí 01 cấp trưởng, 02 cấp phó; không thành lập phòng có dưới 07 người làm việc là viên chức.
Điều 7. Biên chế
Biên chế của Trung tâm thuộc biên chế sự nghiệp. Số lượng người làm việc của Trung tâm được giao trên cơ sở Đề án vị trí việc làm gắn với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động và đảm bảo đáp ứng tiêu chí thành lập Trung tâm theo quy định là từ đủ 15 người làm việc là viên chức trở lên và nằm trong tổng biên chế sự nghiệp của Sở Thông tin và Truyền thông được UBND tỉnh giao.
Giám đốc Trung tâm căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ công việc để chủ động xây dựng vị trí việc làm; sắp xếp, quản lý và phân bổ nhân sự phù hợp với chức danh chuyên môn, ngạch viên chức theo quy định của pháp luật.
Việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, người lao động của Trung tâm thực hiện theo quy định của pháp luật và quy định về phân cấp quản lý công chức, viên chức đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh.
Điều 8. Chế độ làm việc
1. Trung tâm làm việc theo chế độ thủ trưởng. Giám đốc Trung tâm là người đứng đầu Trung tâm, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Trung tâm; Phó Giám đốc là người giúp Giám đốc Trung tâm phụ trách, chỉ đạo một số mặt công tác, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Trung tâm và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công; Trưởng phòng chịu trách nhiệm trước Giám đốc Trung tâm và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công.
2. Về quản lý tài chính
a) Trung tâm là đơn vị sự nghiệp, được thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ và các quy định hiện hành. Trung tâm có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền phân loại đơn vị sự nghiệp theo quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông theo quy định.
b) Kinh phí hoạt động thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm và các nguồn thu hợp pháp khác của Trung tâm.
c) Căn cứ vào nhiệm vụ được giao hàng năm, chế độ chi tiêu tài chính hiện hành và kết quả hoạt động sự nghiệp, tình hình thu, chi tài chính của năm trước liền kề, Trung tâm lập dự toán thu, chi ngân sách gửi Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp, đăng ký với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan đề nghị ngân sách nhà nước cấp kinh phí bảo đảm hoạt động thường xuyên của Trung tâm theo quy định.
3. Về quản lý tài sản: Việc quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước tại Trung tâm được thực hiện theo các quy định hiện hành; được ngân sách đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho quản lý, vận hành, duy trì hoạt động các hệ thống thông tin tại Trung tâm giám sát, điều hành, Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh.